Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) dự kiến đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa XIV và thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Phù hợp thực tế?
Theo đó, so với Luật Xử lý VPHC hiện hành, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải (GTVT) đường bộ và phòng chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: Tín ngưỡng và đối ngoại (30 triệu đồng), cứu nạn - cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng).
Lý giải về việc sửa đổi, bổ sung nội dung này, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, sau 6 năm triển khai thi hành, Luật Xử lý VPHC đã phát sinh một số bất cập lớn nên phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.
Một số khó khăn cụ thể như công tác xử phạt VPHC vướng mắc chủ yếu tập trung vào những vấn đề như: mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực còn quá thấp, thiếu tính răn đe; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền… và nhiều bộ, ngành cũng đề xuất tăng mức xử phạt cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Bộ GTVT, hiện Luật Xử lý VPHC quy định giám đốc công an tỉnh, chánh thanh tra sở được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân, 40 triệu đồng đối với tổ chức).
Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc cục CSGT, trưởng phòng CSGT công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 8 triệu đồng đối với cá nhân, 16 triệu đồng đối với tổ chức).
"Với quy định này, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn mức 3 (vượt quá 0,4 mg/lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 triệu đồng, các hành vi vi phạm sử dụng ma túy điều khiển ôtô có mức xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng sẽ vượt quá thẩm quyền của giám đốc công an cấp tỉnh, chánh thanh tra sở GTVT, phải chuyển hồ sơ đến chủ tịch UBND cấp tỉnh, phát sinh khó khăn trong công tác xử lý VPHC trong GTĐB" - Bộ GTVT cho biết và khẳng định việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong GTĐB là rất cần thiết.
Cần đánh giá kỹ
Trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết về việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật nhận thấy các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết của việc này. Báo cáo tổng kết thi hành luật không đề cập khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa.
Bên cạnh đó, đề cương dự thảo luật khi Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và báo cáo đánh giá tác động không có nội dung này.
Đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa về các lĩnh vực này của các cơ quan trong hồ sơ dự án luật chỉ nêu chung chung là "để bảo đảm tính răn đe, giáo dục", "tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm"…; ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục; có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là "chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa" nhưng dự thảo luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa như giáo dục.
"Vì vậy, chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo luật đề xuất.
Thực tế cho thấy biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt VPHC là thực hiện nghiêm nguyên tắc "mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh; mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật" - ông Tùng nhấn mạnh.
Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật Xử lý VPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Và trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.
Do vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa khi thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.
Tăng sức răn đe
Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ QH mới đây, góp ý cho dự thảo, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã bày tỏ sự tán thành tăng mức xử phạt hành chính để bảo đảm tính răn đe.
Dẫn ví dụ từ việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh điều này đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi họ đã tự ý thức tránh xa rượu, bia trong tham gia giao thông.
"Nâng ly lên là nghĩ tới mức phạt tối đa đến 40 triệu đồng, tịch thu bằng lái 23 tháng thì phần lớn người lái xe lại đặt ly xuống. Do vậy, tăng mức phạt hành chính có ý nghĩa răn đe lớn, nhất là ở những lĩnh vực vi phạm phổ biến. Chúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng để tăng sức răn đe" - Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.
Ý kiến bạn đọc
Th.08
15
Theo Bộ Công an, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm có thể bị phạt hành chính đến 5 triệu đồng hoặc có thể bị xử lý hình sự với...
Th.08
14
Khi vi phạm về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, người cho vay có thể đối mặt với hình phạt tiền, cải tạo không giam giữa hoặc phạt tù.
Th.08
12
Thời gian gần đây, nổi lên vài vụ tranh chấp về việc vay nợ. Sự việc xảy ra tranh chấp khi bên nói có, bên nói không về sự tồn tại của việc cho vay...
Th.08
11
Theo Quyết định 11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà...
Th.08
10
Hành vi đánh bạc online (đánh bạc qua mạng) có thể bị phạt tù đến 7 năm, đồng thời có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền đến 50...
Th.08
09
Cục Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT - Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu "DAI HAI PETROL GAS" cho Công ty Cổ phần Hải Dương Gas nhưng 2 năm sau, cơ quan này...