Kinh tế thế giới và từng khu vực, quốc gia riêng lẻ trong thời kỳ mới

Thứ tư - 10/06/2020 13:10
Sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp được quyết định bởi nhà nước, quốc gia, sự quyết định đó được thực hiện qua những chính sách, chiến lược mà mỗi quốc gia xây dựng nên trong từng giai đoạn, thời kỳ phát triển.
Kinh tế thế giới và từng khu vực, quốc gia riêng lẻ trong thời kỳ mới
Thực tế đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế hay khi đất nước phải đối diện với những vấn đề lớn, giải pháp trước tiên được áp dụng một cách phổ biến ở hầu hết các quốc gia là sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước can thiệp ở các cấp độ khác nhau - cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
 
Thế giới sau khủng hoảng 2008 và những xu hướng phát triển mới
 
Sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008, hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm. Các biện pháp, chính sách được thực thi, song bức tranh kinh tế thế giới vẫn hiện hữu với gam màu xám chủ đạo. Tiến trình phục hồi của các nền kinh tế phát triển tiếp tục trì trệ, còn các nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy vượt qua khủng hoảng kinh tế tương đối nhanh nhưng lại rất dễ bị tổn thương do các cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Kinh tế Mỹ phục hồi chậm trong khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang tiếp tục bào mòn lòng tin của giới đầu tư.
 
Cùng với gam màu xám chủ đạo trong bức tranh kinh tế thế giới là tình trạng bất ổn chính trị - xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Có thể nói, hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra từ 2008 đến nay là vô cùng lớn; mức độ tác động, ảnh hưởng của nó tới mỗi quốc gia, khu vực là chưa thể lường hết.
 
Hiện thực trên được nhìn nhận ở nhiều phương diện khác nhau và cũng được lý giải với nhiều căn nguyên, song đều có những nhìn nhận khá căn bản rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay là hiện thân của sự bất ổn nghiêm trọng mang tính cấu trúc của nền kinh tế thế giới và mô hình phát triển kinh tế thị trường thiên lệch, kém bền vững mà hầu hết các nước đang theo đuổi lâu nay. Thế giới dường như đang chứng kiến một sự thất bại "kép" của cơ chế kinh tế thị trường và nhà nước với chức năng quản lý kinh tế.
 
Từ hiện trạng trên cho thấy sự tất yếu của những thay đổi trong xu hướng phát triển nền kinh tế thế giới và xu hướng đó có thể ở những khía cạnh sau:
 
- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đương đại, các nền kinh tế thế giới có xu hướng gắn kết nhau cùng phát triển, theo đó duy trì đối thoại mở được cho là có hiệu quả với tất cả các quốc gia, các nền kinh tế nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi và phát triển bền vững.
 
- Ưu tiên tạo việc làm là lựa chọn mà các quốc gia, khu vực và toàn thế giới hướng đến. Bởi hiện tại, thất nghiệp đang là thách thức lớn nhất đối với mọi nền kinh tế trong bối cảnh hơn 200 triệu người trên thế giới thất nghiệp, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của người ở lứa tuổi thanh niên là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu không giải quyết được thách thức này sẽ khó thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế và tạo sự ổn định cho phát triển.
 
- Còn có những tranh luận xen lẫn những bất đồng trong các chương trình nghị sự khu vực, quốc tế và có cả những mâu thuẫn địa chính trị - kinh tế ở từng khu vực, cũng như thế giới. Song, các quốc gia, các nền kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp kỳ vọng hình thành một thể chế quốc tế mà thể chế đó có thể "thiết kế" một chiến lược mang lại lợi ích cho cả hiện tại lẫn tương lai và có lợi cho sự ổn định và tăng trưởng.
 
- Để có sự ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng thì việc thiết lập các thể chế quốc tế mới đang là một đòi hỏi khách quan và thể chế quản trị toàn cầu mới sẽ là một tổ chức quốc tế hoạt động độc lập, không chịu sự chi phối của bất kỳ một thế lực kinh tế, chính trị nào.
 
Thể chế đó hướng đến mục tiêu một nền kinh tế thế giới phát triển trong sự phụ thuộc lẫn nhau, ổn định, bền vững và hiệu quả trên tinh thần hợp tác cùng phát triển. Phối hợp điều tiết kinh tế giữa các nhà nước sẽ là hoạt động phổ biến chi phối vai trò điều tiết kinh tế của các nhà nước quốc gia, nhưng ở thế cân bằng, bình đẳng và hài hòa hơn trong quan hệ giữa các nước, trong đó sự phối hợp Đông - Tây trong quản trị toàn cầu sẽ được tăng cường thay dần vị trí độc tôn quản trị thế giới của phương Tây.
 
- Trải qua những diễn biến của khủng khoảng và phân tích căn nguyên của nó, các thể chế kinh tế quốc tế đang thúc đẩy mạnh mẽ những cải tổ mạng an toàn tài chính quốc tế mà chính cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính vừa qua đã làm nó suy biến. Đồng thời, bản thân mỗi nền kinh tế quốc gia cũng đang hướng tới những cải tổ cần thiết đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm đảm bảo sự ổn định và an toàn cần thiết.
 
- Qua khủng hoảng, cả thế giới đều có chung nhận thức rằng, để phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thế giới cần khu vực tài chính mạnh và an toàn hơn thông qua các quy chế hợp tác tốt hơn, cũng như cần phối hợp thực hiện hiệu quả hơn các thỏa thuận đã đạt được trong các lĩnh vực thiết yếu như quy chế dẫn xuất, giải quyết hiệu quả hoạt động của các ngân hàng xuyên biên giới.
 
- Để phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng, mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia sẽ có những cách thức riêng, song mỗi nền kinh tế đều ít nhiều phải quan tâm tới 5 vấn đề: một là, cần thận trọng thúc đẩy chính sách tài chính khắc khổ do phục hồi kinh tế vẫn mong manh và thất nghiệp còn cao; hai là, thiết lập chính sách tạo thêm việc làm và thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn; ba là, xây dựng các thỏa thuận về quy mô, tốc độ và thời điểm nới lỏng các chính sách tài chính để xử lý một cách linh hoạt có hiệu quả trong điều kiện mất cân bằng kinh tế thế giới; bốn là, các nước đang phát triển cần đảm bảo đủ các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển lớn; năm là, các nền kinh tế lớn cần tìm ra các biện pháp để thúc đẩy phối hợp chính sách hiệu quả và tin cậy vì sự phát triển chung của kinh tế toàn cầu.
 
Nhà nước quốc gia với những đối sách chiến lược
 
Sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều trực tiếp hoặc gián tiếp được quyết định bởi nhà nước, quốc gia, sự quyết định đó được thực hiện qua những chính sách, chiến lược mà mỗi quốc gia xây dựng nên trong từng giai đoạn, thời kỳ phát triển. Thực tế đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế hay khi đất nước phải đối diện với những vấn đề lớn, giải pháp trước tiên được áp dụng một cách phổ biến ở hầu hết các quốc gia là sự can thiệp của nhà nước. Nhà nước can thiệp ở các cấp độ khác nhau - cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
 
Ở cấp độ quốc gia, các nhà nước thường nỗ lực thực hiện vai trò của mình thông qua những chính sách điều tiết vĩ mô như chính sách tài chính, tiền tệ, đầu tư hoặc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho từng lĩnh vực theo các mức ưu tiên hoặc phối hợp các điều tiết đó. Mục tiêu mà những điều tiết của nhà nước hướng đến trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế là tạo điều kiện tiên quyết cho sự ổn định của nền kinh tế quốc gia trên cơ sở những điều chỉnh cục bộ hay điều chỉnh tổng thể và những cải cách đối với nền kinh tế. Một mặt, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những tác động của cuộc khủng hoảng đến nền kinh tế, mặt khác, chấn chỉnh cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng bền vững.
 
Ở cấp độ khu vực, nhiều quốc gia đề xuất những ý tưởng phối hợp với nhau để tạo thành một sức mạnh tổng hợp vượt qua khủng hoảng. Phương châm xử thế của các nước trong những thiết chế khu vực (như EU, ASEAN) là tự cứu mình trước. Vì vậy, thông thường khi phải đối diện với các cuộc khủng hoảng, ý tưởng về những thể chế tài chính - tiền tệ cho khu vực hoặc những thoả thuận song phương hay giữa các bộ trưởng kinh tế về những quan hệ kinh tế trong phạm vi khu vực sẽ được hình thành. Chẳng hạn, nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997, các tổ chức Quỹ tín dụng châu Á, Ngân hàng thanh toán bù trừ đa biên ASEAN đã được thành lập.
 
Bên cạnh đó còn có thoả thuận giữa các bộ trưởng tài chính các nước ASEAN về khuyến khích sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán các giao dịch thương mại nội bộ ASEAN... Đồng thời với những nỗ lực trên là các cố gắng khác nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối, khu vực để giảm bớt các khó khăn do khủng hoảng gây ra như trao đổi hàng lấy hàng, thúc đẩy hợp tác đầu tư trong khu vực, xúc tiến hình thành các cơ chế giám sát, trao đổi thông tin, tư vấn kỹ thuật... giữa các cơ quan tài chính - tiền tệ của khu vực.
 
Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực, có thể không nằm trong các thiết chế khu vực song do những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau cũng thường đóng góp về những khoản tài chính hoặc những hỗ trợ kỹ thuật nhằm góp phần ổn định của khu vực. Thí dụ, trong khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997, Trung Quốc đã triển khai những cải cách và giải pháp “tự vệ” và nhiều lần cam kết “không phá giá đồng nhân dân tệ” để bớt đi một nguy cơ tiềm tàng làm bùng nổ làn sóng phá giá mới trong khu vực; Nhật Bản cũng có những động thái nhằm cứu vãn hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn của họ, mở cửa từng bước thị trường hàng hoá và tài chính nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước và khu vực...
 
Ở cấp độ quốc tế, tùy vào vị trí, vai trò của mình mà các nhà nước có thể tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế ở những mức độ khác nhau. Các ứng phó khủng hoảng thường được thực hiện bởi sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp và to lớn của cộng đồng quốc tế thông qua vai trò tổ chức, điều phối và giám sát của các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD..., sự hỗ trợ này thông thường có hiệu lực tức thì và khá mạnh nhằm chế ngự khủng hoảng, tránh sự đổ vỡ lan rộng và hậu quả kéo dài cả ở trong và ngoài mỗi nước. Cả khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á và khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, IMF đã nổ lực hết mình để thực hiện vai trò “giải cứu” nền kinh tế thế giới.
 
Vai trò của các nhà nước ở cấp độ quốc tế còn là việc tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế thông qua những thoả thuận về việc hoãn nợ, đảo nợ, đảm bảo nợ nhằm cải thiện tình trạng nợ nần của quốc gia trong hoàn cảnh đất nước đang trong khủng hoảng. Bên cạnh đó là nỗ lực để mở rộng thị trường xuất khẩu đến các nước khác nhằm cải thiện cán cân xuất - nhập khẩu, cán cân thanh toán và thu nhập ngoại hối.
 
Trong bối cảnh hiện nay, để tìm giải pháp phục hồi đi vào ổn định và phát triển hiệu quả sau khủng hoảng trong điều kiện toàn cầu hóa, mỗi nền kinh tế, ngoài việc phát huy những nguyên tắc can thiệp ở các cấp độ, mỗi nhà nước quốc gia cần thực hiện sứ mệnh của mình trên các phương diện như: đảm bảo ổn định vĩ mô; thiết lập một hệ thống thể chế và chính sách vĩ mô hữu hiệu phù hợp với xu hướng phát triển mới của thế giới; đảm bảo sự vững chắc của ngân sách quốc gia, coi chính sách ngân sách như một công cụ quan trọng để điều chỉnh kinh tế vĩ mô; chính sách tiền tệ - tín dụng, ngân hàng trung ương, công cụ lãi suất sẽ là những công cụ chính trong điều chỉnh kinh tế vĩ mô; kiểm soát, giám sát và dự báo ngày càng trở nên quan trọng hơn với các nhà nước quốc gia.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Đăng kí tư vấn


Tư vấn

Kiến thức pháp luật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây